Tập hợp các nghiên cứu nổi trội và đúc kết nhiều nhận định khác nhau, tác động rộng rãi của trí tuệ nhân tạo (AI) đã đặt ra dấu hỏi lớn đến với ngành thiết kế, điều gì đang chờ đợi các kiến trúc sư, nhà thiết kế trong tương lai?
Sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần đi sâu hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trở thành một nền tảng liên tục được nhắc tới trong thời gian vừa qua. Nhưng để hiểu rõ hơn định nghĩa trí tuệ nhân tạo một cách đầy đủ, người ta sử dụng ChatGPT – một nền tảng cũng dựa trên trí tuệ nhân tạo, để trả lời cho chính câu hỏi này. Theo cung cấp từ ChatGPT: “AI là một lĩnh vực khoa học máy tính tạo ra các hệ thống và chương trình có khả năng thực hiện chức năng xử lý đòi hỏi trí thông minh từ con người. Mục tiêu của nó là phát triển các thuật toán và mô hình này cho phép máy tính thu thập, suy luận, giải quyết và đưa ra đúc kết một cách độc lập mà không cần một lập trình rõ ràng cho từng hành động cụ thể.” Do đó, các thuật toán có khả năng đồng hóa dữ liệu, xử lý và cung cấp thông tin kết quả. Điều này lý giải rằng AI có thể sử dụng trong thế giới sáng tạo và thiết kế theo nhiều cách, trở thành một công cụ đắc lực cho con người.
Dự án The chAIr – thiết kế bởi Philipp Schmitt và Steffen Weiss. Ảnh: Philipp Schmitt
Trong quá trình sáng tạo, các NTK hay KTS thường phải đi qua các giai đoạn triển khai ý tưởng với nhiều phép thử liên tục. Việc thu thập các dữ liệu tổng quát từ con người và tạo ra các dữ liệu ảo có trật tự giúp điều phối công việc song song với quá trình thử nghiệm những ý tưởng. Ví dụ như nền tảng ChatGPT nổi tiếng trong việc tạo ra các văn bản nội dung đa dạng, có thể thay đổi ngôn ngữ hay Midjourney và Stable Diffusion là những phần mềm mang thuật toán mã nguồn mở yêu cầu từ trí tuệ con người, tạo ra hình ảnh các không gian, kiến trúc với thời gian ngắn hơn so với các phần mềm chuyên biệt.
Bộ sưu tập A.I. Console – thiết kế bởi Philippe Starck và AI. Ảnh: Andrea Mariani
Các NTK độc lập cũng đã thực hành AI như một công cụ đắc lực mới hỗ trợ tạo ra sản phẩm. Tiêu biểu như Philippe Starck đã dùng trí tuệ nhân tạo để khám phá và tạo ra những thiết kế có đường nét thuần túy, sắc sảo trong BST A.I. ra mắt tại Salone del Mobile 2023. Studio Oio – thành lập bởi Simone Rebaudengo và Matteo Loglio, đã sử dụng thuật toán tổng hợp cho dự án Spawns. Lấy ý tưởng từ khẩu hiệu nổi tiếng vào năm 1952 của Ernesto Nathan Rogers “from the spoon to city”, Spawns bao gồm 3 chiếc thìa tráng bạc giới hạn có kiểu dáng mới lạ – là thành quả của việc kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo vào quá trình thiết kế. BST được các NTK cung cấp dữ liệu đầu vào một khối lượng hình ảnh của những chiếc thìa đã qua chỉnh sửa và mã hóa và tạo ra các mô hình cơ bản ban đầu, sau đó dùng công nghệ để thực tiện ra các bản phác thảo khác nhau. Quá trình đó được nhóm gắn cho tên gọi “trí thông minh thủ công”, rồi chuyển đến giai đoạn thực hiện mô hình 3D hợp tác cùng giosampietro và thực hiện các chỉnh sửa cuối cùng bởi nghệ nhân của Greggio Argenterie.
Spawns – thiết kế bởi Oio Studio và AI. Ảnh: Oio Studio
NTK Philipp Schmitt & Steffen Weiss cũng áp dụng trí tuệ nhân tạo cho dự án The chAIr – nhằm tạo ra một thiết kế ghế cổ điển với quá trình sáng tạo đổi mới. Từ việc cung cấp những hình ảnh mang tính biểu tượng về ghế ngồi thế kỷ XX và sử dụng các bản thảo thực hiện bởi máy và được con người nhận biết qua hình dáng và chức năng sản phẩm. Quá trình này đã làm nổi bật cách kết hợp giữa trí tuệ con người và nhân tạo trở thành các thí nghiệm thú vị.
Dự án The chAIr – thiết kế bởi Philipp Schmitt & Steffen Weiss. Ảnh: Philipp Schmitt
Theo tinh thần của chủ nghĩa thực chứng khoa học (scientific positivism), trí tuệ nhân tạo là một công cụ tiềm năng và sẽ tiếp tục được phát triển bởi con người đi kèm tính năng mới, có mục đích đúng đắn giúp làm tinh gọn các giai đoạn thiết kế cho KTS, NTK trong tương lai.